Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Vấn Đề Chuyển Giá Ở Việt Nam và Biện Pháp

123loading - Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay tồn tại rất nhiều bất cập xung quanh việc phát triển kinh tế. Một trong số đó là vấn đề chuyển giá, một vấn đề nan giải khi mà các doanh nghiệp (đặc biệt là DN nước ngoài ồ ạt than lỗ). Để tìm hiểu thêm về vấn đề này 123loading xin mời bạn đọc bài báo NCKH của Ths. Phan Thị Thành Dương trường Đại học Luật TP.HCM sau đây:

CHỐNG CHUYỂN GIÁ Ở VIỆT NAM

1. Đặt vấn đề

Khi các quan hệ kinh tế được thiết lập đa dạng, có sự liên kết, phối hợp giữa các chủ thể kinh doanh, thì việc xác định lợi ích kinh tế đã vượt ra ngoài phạm vi của một chủ thể riêng lẻ, mà được tính trong lợi ích chung của cả tập đoàn hay nhóm liên kết. Với môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, câu hỏi làm sao để lợi ích tổng thể đạt tối ưu luôn được đặt ra với các chủ thể kinh doanh. Chuyển giá được xem là một lời giải cho bài toán lợi ích mà ở đó nhà đầu tư không cần thêm vốn hay mở rộng sản xuất. Đơn giản vì phương cách này giúp họ giảm tổng nghĩa vụ thuế. Từ đó lợi nhuận sau thuế sẽ gia tăng. 

Tuy nhiên vấn đề chuyển giá ở Việt Nam còn hết sức mới mẻ. Trong xu thế mở rộng cửa chào đón các tập đoàn kinh tế quốc tế, phát huy nội lực với các công ty cha - mẹ - anh - chị - em.., thì chuyển giá sẽ là công cụ dễ được các chủ thể kinh doanh sử dụng nhằm thay đổi những nghĩa vụ thuế phải thực hiện với nhà nước. Sự mới mẻ và chứa đựng những hấp dẫn về lợi ích kinh tế của chuyển giá là điều được các nhà quản lý lưu tâm, được các chủ thể kinh doanh, người hoạch định chiến lược tài chính của doanh nghiệp lên chương trình hành động cho mình.

2. Chuyển giá là gì?

Chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các công ty đa quốc gia (Multi Nations Company) trên toàn cầu.[1]

Như vậy, chuyển giá là một hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện nhằm thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết. Hành vi ấy có đối tượng tác động chính là giá cả. Sở dĩ giá cả có thể xác định lại trong những giao dịch như thế xuất phát từ ba lý do sau:

Thứ nhất, xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch. Do đó họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn.

Thứ hai, xuất phát từ mối quan hệ gắn bó chung về lợi ích giữa nhóm liên kết nên sự khác biệt về giá giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể kinh doanh có cùng lợi ích không làm thay đổi lợi ích toàn cục.

Thứ ba, việc quyết định chính sách giá giao dịch giữa các thành viên trong nhóm liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại. Tồn tại sự khác nhau về chính sách thuế của các quốc gia là điều không tránh khỏi do chính sách kinh tế - xã hội của họ không thể đồng nhất, cũng như sự hiện hữu của các quy định ưu đãi thuế là điều tất yếu. Chênh lệch mức độ điều tiết thuế vì thế hoàn toàn có thể xảy ra.

Cho nên, chuyển giá chỉ có ý nghĩa đối với các giao dịch được thực hiện giữa các chủ thể có mối quan hệ liên kết. Để làm điều này họ phải thiết lập một chính sách về giá mà ở đó giá chuyển giao có thể được định ở mức cao hay thấp tùy vào lợi ích đạt được từ những giao dịch như thế. Chúng ta cần phân biệt điều này với trường hợp khai giá giao dịch thấp đối với cơ quan quản lý để trốn thuế nhưng đằng sau đó họ vẫn thực hiện thanh toán đầy đủ theo giá thỏa thuận. Trong khi đó nếu giao dịch bị chuyển giá, họ sẽ không phải thực hiện vế sau của việc thanh toán trên và thậm chí họ có thể định giá giao dịch cao. Các đối tượng này nắm bắt và vận dụng được những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi trong quy định thuế để hưởng lợi có vẻ như hoàn toàn hợp pháp. Như thế, vô hình trung, chuyển giá đã gây ra sự bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế do xác định không chính xác nghĩa vụ thuế, dẫn đến bất bình đẳng về lợi ích, tạo ra sự cách biệt trong ưu thế cạnh tranh.
Tuy vậy, thật không đơn giản để xác định một chủ thể đã thực hiện chuyển giá. Vấn đề ở chỗ, nếu định giá cao hoặc thấp mà làm tăng số thu thuế một cách cục bộ cho một nhà nước thì cơ quan có thẩm quyền nên định lại giá chuyển giao. Chẳng hạn, giá mua đầu vào nếu được xác định thấp, điều đó có thể hình thành chi phí thấp và hệ quả là thu nhập trước thuế sẽ cao, kéo theo thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) tăng; hoặc giả như giá xuất khẩu định cao cũng làm doanh thu tăng và kết quả là cũng làm tăng số thuế mà nhà nước thu được. Nhưng cần hiểu rằng điều đó cũng có nghĩa rằng nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp liên kết ở đầu kia có khả năng đã giảm xuống do chuyển một phần nghĩa vụ của mình qua giá sang doanh nghiệp liên kết này.

Hành vi này chỉ có thể được thực hiện thông qua giao dịch của các chủ thể có quan hệ liên kết. Biểu hiện cụ thể của hành vi là giao kết về giá. Nhưng giao kết về giá chưa đủ để kết luận rằng chủ thể đã thực hiện hành vi chuyển giá. Bởi lẽ nếu giao kết đó chưa thực hiện trên thực tế hoặc chưa có sự chuyển dịch quyền đối với đối tượng giao dịch thì không có cơ sở để xác định sự chuyển dịch về mặt lợi ích. Như vậy, ta có thể xem chuyển giá hoàn thành khi có sự chuyển giao đối tượng giao dịch cho dù đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán hay chưa.

Giá giao kết là cơ sở để xem xét hành vi chuyển giá. Chúng ta cũng chỉ có thể đánh giá một giao dịch có chuyển giá hay không khi so sánh giá giao kết với giá thị trường. Nếu giá giao kết không tương ứng với giá thị trường thì có nhiều khả năng để kết luận rằng giao dịch này có biểu hiện chuyển giá.

3. Phạm vi chuyển giá

Chuyển giá với ý nghĩa chuyển giao giá trị trong quan hệ nội bộ nên hành vi phải được xem xét trong phạm vi giao dịch của các chủ thể liên kết. Điều 9 Công ước mẫu của OECD về định giá chuyển giao ghi nhận “Hai doanh nghiệp được xem là liên kết (associated enterprises) khi:

i. Một doanh nghiệp tham gia vào quản lý, điều hành hay góp vốn vào doanh nghiệp kia một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc qua trung gian;

ii. Hai doanh nghiệp có cùng một hoặc nhiều người hay những thực thể (entities) khác tham gia quản lý, điều hành hay góp vốn một cách trực tiếp hoặc gián tiếp hoặc thông qua trung gian”.

Yếu tố quản lý, điều hành hay góp vốn chính là điều kiện quyết định sự ảnh hưởng, sự giao hòa về mặt lợi ích của các chủ thể này nên cũng là cơ sở để xác định mối quan hệ liên kết. Tính chất của những biểu hiện này không mang tính quyết định. Như thế các doanh nghiệp liên kết có thể được hình thành trong cùng một quốc gia hoặc có thể ở nhiều quốc gia khác nhau. Từ đó, chuyển giá không chỉ diễn ra trong các giao dịch quốc tế mà có thể cả trong những giao dịch quốc nội. 

Trên thực tế, chuyển giá thường được quan tâm đánh giá đối với các giao dịch quốc tế hơn do sự khác biệt về chính sách thuế giữa các quốc gia được thể hiện rõ hơn. Trong khi đó, do phải tuân thủ nguyên tắc đối xử quốc gia nên các nghĩa vụ thuế hình thành từ các giao dịch trong nước ít có sự cách biệt. Vì thế, phần lớn các quốc gia hiện nay thường chỉ quy định về chuyển giá đối với giao dịch quốc tế.[2] Theo đó, giao dịch quốc tế được xác định là giao dịch giữa hai hay nhiều doanh nghiệp liên kết mà trong số đó có đối tượng tham gia là chủ thể không cư trú (non-residents).[3] Sự khác biệt chính yếu nằm ở sự cách biệt về mức thuế suất thuế TNDN của các quốc gia. Một giá trị lợi nhuận chuyển qua giá từ doanh nghiệp liên kết cư trú tại quốc gia có thuế suất cao sang doanh nghiệp liên kết ở quốc gia có thuế suất thấp. Ngược lại một lượng chi phí tăng lên qua giá mua sẽ làm giảm thu nhập cục bộ ở quốc gia có thuế suất thuế thu nhập cao. Trong hai trường hợp đều cho ra những kết quả tương tự là làm tổng thu nhập sau thuế của toàn bộ nhóm liên kết tăng lên.

Khía cạnh khác, các giao dịch trong nước có thể hưởng lợi từ chế độ ưu đãi, miễn giảm thuế. Thu nhập sẽ lại dịch chuyển từ doanh nghiệp liên kết không được hưởng ưu đãi hoặc ưu đãi với tỉ lệ thấp hơn sang doanh nghiệp liên kết có lợi thế hơn về điều này. 

4. Biện pháp chống chuyển giá ở Việt Nam

4.1. Chuyển giá đã được các nhà hoạch định chính sách tài chính Việt Nam xác định là một vấn đề cần được quan tâm quản lý khi mà ngày càng xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển giá trong giao dịch có yếu tố nước ngoài.[4] Văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến chuyển giá là Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài, sau đó là Thông tư 89/1999/TT-BTC và Thông tư 13/2001/TT-BTC. Đến Thông tư 05/2005/TT-BTC hướng dẫn về thuế nhà thầu thì vấn đề này được bỏ ra khỏi nội dung điều chỉnh. Cho đến 19/12/2005, chuyển giá đã được nhắc lại tại Thông tư 117/2005/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong các giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Tính đến nay, Thông tư 117/2005/TT-BTC có thể được xem là văn bản pháp lý điều chỉnh một cách khá chi tiết về biện pháp chống chuyển giá bằng phương pháp định giá chuyển giao. Ý nghĩa của việc định giá chuyển giao là xác định lại giá giao dịch giữa các doanh nghiệp liên kết nhằm đưa giá giao dịch liên kết về đúng với giá thị trường.

4.2. Đối tượng áp dụng phương pháp định giá chuyển giao là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam có giao dịch kinh doanh với các bên có quan hệ liên kết có nghĩa vụ kê khai, xác định nghĩa vụ thuế TNDN ở Việt nam. Phạm vi áp dụng bao gồm các giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết.[5] Nội hàm tác động của những quy định này dường như cũng không giới hạn điều chỉnh trong các giao dịch chuyển giá quốc tế. Các giao dịch liên kết bị điều chỉnh cũng tương tự quy định của các nước hoặc theo Công ước mẫu của OEDC về định giá chuyển giao[6]. Nhưng phạm vi giao dịch chuyển giá mà Việt Nam điều chỉnh có phần hẹp hơn vì không đề cập đến những giao dịch như vay hoặc cho vay, hay như giao dịch được đề cập mở rộng mang tính dự báo mà có thể gây tác động đến lợi ích của doanh nghiệp liên kết.

4.3. Để xác định giá thị trường phải tuân thủ nguyên tắc dựa trên cơ sở so sánh tính tương đương giữa giao dịch liên kết với giao dịch độc lập[7] từ đó lựa chọn ra phương pháp xác định giá phù hợp. Theo đó, dù là sử dụng phương pháp nào thì việc so sánh cũng phải đưa giao dịch độc lập làm cơ sở quy chiếu về điều kiện tương đương với giao dịch liên kết. Do đó các giao dịch tương đối dùng để so sánh có thể không hoàn toàn giống giao dịch liên kết nhưng phải đảm bảo là không có các khác biệt trọng yếu. Trường hợp có khác biệt trọng yếu, việc so sánh phải dùng biện pháp phân tích và đánh giá các tiêu thức ảnh hưởng dẫn đến khác biệt nhằm loại trừ sự khác biệt mang lại sự tương đồng.[8] Có 4 tiêu thức được xem là những yếu tố có thể gây ra sự khác biệt, đó là đặc tính của sản phẩm, chức năng hoạt động của cơ sở kinh doanh, điều kiện của hợp đồng giao dịch và điều kiện kinh tế khi diễn ra giao dịch. 

4.4. Quá trình phân tính, đánh giá sẽ chỉ ra phương thức xác định giá thị trường nào là phù hợp nhất. Khác với các quy định trước đây, chỉ có 3 phương pháp được áp dụng, không đủ để bao quát hết các khả năng phải xác định giá, trong lần quy định này, thông tư 117/2005/TT-BTC đã đưa ra 5 phương pháp định giá chuyển giao. Đó là:

- Phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập: dựa vào đơn giá sản phẩm được vận dụng trong trường hợp giao dịch độc lập có điều kiện tương đương với giao dịch liên kết.

- Phương pháp giá bán lại: áp dụng trong trường hợp không có giao dịch mua tương đương, thuộc khâu cung ứng hoặc có thêm giai đoạn gia công, chế biến, lắp ráp... làm gia tăng giá trị hàng hóa, nên phải sử dụng giá bán lại của sản phẩm do cơ sở kinh doanh bán cho bên độc lập để xác định giá mua vào của giao dịch liên kết.

- Phương pháp giá vốn cộng lãi: được lựa chọn khi giao dịch liên kết thuộc khâu sản xuất khép kín để bán cho bên liên kết hoặc cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra cho bên liên kết. Phương pháp này xác định giá dựa vào giá vốn hay giá thành của sản phẩm để xác định giá bán ra của sản phẩm đó cho bên liên kết.

- Phương pháp so sánh lợi nhuận: để thực hiện phương pháp này phải dựa trên tỷ suất sinh lời của sản phẩm trong giao dịch độc lập được chọn. Phương pháp này không cho ra kết quả về giá mà tính ra được thu nhập thuần trước thuế là cơ sở tính thuế TNDN. Đây được xem là phương pháp mở rộng của phương pháp giá bán lại và giá vốn cộng lãi, nên có thể áp dụng đối chiếu trong trường hợp có những điều kiện tương tự.

- Phương pháp tách lợi nhuận: được áp dụng trong trường hợp nhiều bên liên kết cùng thực hiện một giao dịch liên kết tổng hợp[9], chẳng hạn như cùng tham gia nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, hoặc sản phẩm là tài sản vô hình độc quyền, kinh doanh chuyển tiếp từ khâu đầu đến khâu cuối gắn với quyền sở hữu trí tuệ. Việc tách lợi nhuận của từng bên liên kết trong giao dịch dựa trên cách mà các bên độc lập thực hiện phân chia lợi nhuận trong các giao dịch độc lập tương đương. Trường hợp do tính đặc thù hoặc duy nhất của giao dịch liên kết mà không có có giao dịch độc lập tương đương để chọn một trong các phương pháp trên so sánh thì có thể sử dụng biện pháp tổng hợp (như mở rộng phạm vi lựa chọn sang phân ngành khác, xác định biên độ giá thị trường thích hợp bằng các phương pháp tổng hợp...) hoặc vận dụng các số liệu giữa kỳ (để tính mức giá sản phẩm, tỷ suất lợi nhuận...).

4.5. Mục đích của định giá chuyển giao là tìm sự khác biệt trong việc hình thành nghĩa vụ thuế giữa giá giao dịch liên kết và giao dịch độc lập. Do đó, quá trình so sánh cho phép chủ thể có giao dịch liên kết lựa chọn giá trị phù hợp nhất[10] trong các giá trị tương ứng của biên độ giá thị trường chuẩn[11] để làm căn cứ điều chỉnh giá của giao dịch liên kết. Theo quy định tại đoạn 1.1 điểm 1, Mục 2, phần B, TT117/2005/TT-BTC, trường hợp giá sản phẩm trong giao dịch liên kết không thấp hơn giá trị phù hợp nhất thì chủ thể kinh doanh không cần điều chỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc cho ra kết quả giá của giao dịch liên kết nằm ở đầu vào hay đầu ra trong quá trình kinh doanh của bên liên kết có nghĩa vụ thuế nếu đã được định cao hơn giá trị phù hợp là được chấp thuận. Như thế định giá chuyển giao sẽ không còn ý nghĩa nếu xác định giá đầu vào cao hơn so với giá thị trường, bởi thu nhập chịu thuế sẽ bị giảm do chi phí đầu vào định giá tăng lên. Ngược lại nếu giá trị đầu ra được xác định là cao hơn giá thị trường và không cần điều chỉnh, thì như đã phân tích ở trên nếu xét một cách cục bộ, nghĩa vụ thuế TNDN ở bên liên kết này có thể tăng lên nhưng nghĩa vụ thuế của bên cùng giao dịch sẽ giảm đi đáng kể. Đó là chưa kể đến những ảnh hưởng khác như vấn đề quản lý về chuyển tiền khi thanh toán, chuyển vốn, chia lãi qua chuyển giá. Vậy nên chăng, một khi chúng ta đã thực hiện biện pháp định giá chuyển giao, thì mọi giao dịch liên kết có giá cao hay thấp hơn giá thị trường đều được đưa về mức chuẩn là giá thị trường phù hợp đã được định ra trong quá trình sử dụng phương pháp so sánh.

4.6. Áp dụng các biện pháp so sánh giá thị trường được xem là nghĩa vụ bắt buộc của đối tượng nộp thuế TNDN khi thực hiện các giao dịch liên kết. Chủ thể này có nghĩa vụ kê khai các giao dịch liên kết đã thực hiện và phương pháp so sánh giá đã áp dụng khi khai báo thuế TNDN. Cơ chế này được thực hiện sẽ làm giảm khả năng không kiểm soát được các giao dịch liên kết gây khó khăn cho chủ thể quản lý. Như các quy định trước đây, định giá chuyển giao chỉ có thể được áp dụng khi cán bộ chuyên quản thuế kiểm tra phát hiện có hiện tượng chuyển giá. Nhưng để phát hiện có chuyển giá hay không lại phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng và yếu tố chủ quan của chính người quản lý. Trao nghĩa vụ kê khai các giao dịch liên kết cho đối tượng nộp thuế vừa giảm thiểu chi phí quản lý, vừa tăng quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm với những thông tin mà đối tượng nộp thuế cung cấp. Điều này được xem là phù hợp với xu thế quản lý thuế hiện đại (tự kê khai, tự nộp). Bởi lẽ khi ấy, đối tượng nộp thuế sẽ phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý nếu không đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ này. Bên cạnh đó, họ cũng có quyền được bảo vệ bí mật về thông tin đã cung cấp trong quá trình xác định giá. Tuy vậy cơ chế bảo mật thông tin trong trường hợp này chưa được nhà nước quan tâm điều chỉnh cụ thể, vì thế sẽ không thể biết rằng một khi thông tin nội bộ của họ (như bí mật công nghệ, giải pháp kỹ thuật...) bị rò rỉ gây thiệt hại cho đối tượng nộp thuế thì trách nhiệm của cơ quan quản lý sẽ ra sao, mức bồi thường như thế nào? Câu hỏi này chưa có lời đáp rõ ràng.

4.7. Các biện pháp cưỡng chế cũng được áp dụng nhằm đảm bảo tuân thủ kê khai đúng đắn các giao dịch liên kết. Trước hết, đó là quy định về quyền của cơ quan thuế được ấn định mức giá sử dụng để kê khai tính thuế hoặc ấn định thu nhập chịu thuế hay số thuế thu nhập phải nộp. Việc ấn định dựa trên cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế phù hợp quy định về ấn định thuế hoặc theo giá trị không thấp hơn giá trị trung bình của biên độ giá thị trường chuẩn được cơ quan thuế ấn định. Cơ chế ấn định giá trong trường hợp này chưa được quy định rõ vì tiêu chuẩn lựa chọn để định giá nào sẽ được xem là phù hợp một khi những thông tin mà đối tượng nộp thuế cung cấp được xem là giả mạo, hoặc không có giao dịch độc lập tương tự để so sánh. Từ đây có thể xảy ra việc cơ quan quản lý có thể tùy nghi vận dụng. Chẳng hạn quy định tại đoạn 2.2 điểm 2, Mục 2, Phần C, TT117/2005/TT-BTC đề cập về sự “nghi ngờ” của cơ quan thuế liên quan đến tính trung thực của đối tượng nộp thuế dẫn đến việc chủ thể này phải có nghĩa vụ chứng minh. Nhưng cơ sở của sự nghi ngờ này là gì thì không rõ. Vì thế đối tượng nộp thuế sẽ rất khó chứng minh nghĩa vụ của mình, nhưng lại rất dễ để cơ quan quản lý làm khó đối tượng nộp thuế vì tự thân sự nghi ngờ hoàn toàn có thể xuất phát cảm tính của chủ thể quản lý. Ngoài điều này ra, pháp luật còn cho phép áp dụng các trách nhiệm pháp lý khác để xử lý vi phạm đối với hoạt động xác định giá thị trường. Những hành vi vi phạm này có lẽ phù hợp nhất nếu được xem là vi phạm pháp luật thuế vì mục đích cuối cùng là thay đổi nghĩa vụ thuế, nhưng cũng sẽ không đơn giản để phân tách thời điểm vi phạm để xếp hành vi vi phạm chuyển giá vào nhóm vi phạm nào?

4.8. Biện pháp định giá chuyển giao theo cách thức điều chỉnh hiện nay chỉ có ý nghĩa trong việc xác định thu nhập chịu thuế, chính xác hơn là xác định đúng nghĩa vụ thuế TNDN. Thế nhưng điều đó cũng có nghĩa là đưa giao dịch liên kết về giao dịch thị trường, nên kết quả này cũng có những ý nghĩa pháp lý nhất định trong việc xác định các nghĩa vụ thuế khác như thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt nếu có. Kết quả này là biểu thị giá của giao dịch bán ra hoặc giao dịch mua vào cho nên giá tính thuế của các loại thuế gián thu nếu căn cứ vào đây có thể sẽ khác đi vì được định giá lại. 

5. Lời kết

Việc ban hành TT117/2005/TT-BTC cho thấy những động thái tích cực của Nhà nước trong việc nhận biết, điều phối những hiện tượng mới mẻ phát sinh trong nền kinh tế đang không ngừng biến chuyển với sự du nhập của trào lưu kinh doanh mang tính phối hợp, cộng tác, phương thức hạch toán, quản lý ngày càng đa dạng và phức tạp. Chuyển giá cũng xuất hiện từ những làn sóng lợi ích ấy. Thế nhưng TT117/2005/TT-BTC mới chỉ có thể là những viên gạch đầu tiên vỡ vạc một cơ sở pháp lý điều chỉnh về một quan hệ xã hội - ở đó có những giằng kéo về mặt lợi ích giữa Nhà nước và đối tượng nộp thuế, xa hơn là lợi ích của cả một cộng đồng. Thật đơn giản để thấy rằng lồng ghép trong những quan hệ kinh tế chằng chịt ấy cũng là vấn đề lợi ích, nhưng bóc gỡ nó ra để tìm thấy sự bình đẳng về quyền lợi thì lại không đơn giản chút nào. Bước đầu, nội dung các quy định này không thể tránh khỏi sự phức tạp, khó hiểu, các vấn đề pháp lý được đặt ra còn nhiều điều phải bàn cãi - như tính cưỡng chế chưa cao, căn cứ để cơ quan thuế áp giá chưa rõ ràng. Các chủ thể nằm trong đối tượng bị điều chỉnh của văn bản này, cũng như bộ phận chuyên quản thuế sẽ không dễ để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Điều này dự báo khả năng áp dụng biện pháp định giá chuyển giao của Việt Nam trên thực tiễn sẽ khó khăn.

Tất cả đang cần có một cái nhìn đầy đủ hơn về chuyển giá, về phạm vi tác động của giá thị trường được định ra trong các phương pháp xác định giá để từ đó chuyển các giao dịch liên kết về đúng với bản chất tự nhiên của nó là một giao dịch bình đẳng. Ở đây là một sự bình đẳng theo đúng nghĩa thị trường không vì lợi ích cục bộ của riêng một chủ thể nào. Làm được điều này không chỉ bảo vệ lợi ích của Nhà nước mà tính đến lợi ích của những chủ thể khác nhằm duy trì một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng trong xã hội có nhiều quan hệ đa chiều như hiện nay.

Chú thích:

[1] Andrew Lymer & Jonh Hasseldine, The Internatinal Taxation System, Kluwer Academic Pblishers, ISBN 1-4-2-7157-4, tr. 158. Xem thêm http://www.findarticles.com/p/articles/mi-qa3984/is-200210/ai_n9132903.

[2] Chẳng hạn như Luật Thuế TNDN của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Canada hoặc Công ước mẫu về định giá chuyển giao của OEDC đều chỉ điều chỉnh đối với chuyển giá quốc tế (all cross-border)

[3] Atul Dua, Tranfer Pricing-Atax: Corporate and Securities Perspective, IPBA Journal, số 40, tháng 12/2005, tr. 22.

[4] Hội nghị tổng kết ngành Tài chính 12/2004

[5] Mục I, Phần A, TT117/2005/TT-BTC 

[6] Chẳng hạn quy định tại Điều 92 Luật Thuế thu nhập Ấn Độ quy định các giao dịch phải xem xét giá chuyển giao bao gồm giao dịch mua, bán, thuê hoặc cho thuê tài sản vô hình hay hữu hình, cung ứng dịch vụ, vay mượn tiền hay bất cứ các giao dịch nào mang lại lợi nhuận, tăng hay giảm tài sản của doanh nghiệp. 

[7] Giao dịch độc lập là giao dịch kinh doanh giữa các bên không có quan hệ liên kết trong khuôn khổ kinh doanh thông thường (Điểm 6, Mục III, Phần A, TT117/2005/TT-BT). Giao dịch độc lập có điều kiện tương đương giao dịch liên kết sẽ được chọn làm giao dịch quy chiếu để so sánh, phân tích với giao dịch liên kết.

[8] Điểm 7, Mục III, Phần A, TT117/2005/TT-BTC xác định khác biệt trọng yếu là khác biệt trong thông tin và/hoặc dữ liệu có ảnh hưởng quan trọng đáng kể đến giá sản phẩm.

[9] Giao dịch liên kết tổng hợp là giao dịch do nhiều bên liên kết tham gia bao gồm nhiều giao dịch liên kết có liên quan chặt chẽ với nhau về sản phẩm độc quyền hoặc các giao dịch liên kết khép kín giữa các bên liên kết. 

[10] Giá trị phù hợp nhất là giá trị phản ánh mức độ tương đương cao nhất về điều kiện giao dịch của giao dịch độc lập được chọn để so sánh với giao dịch liên kết.

[11] Biên độ giá thị trường là tập hợp các giá trị về mức giá, tỉ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời của sản phẩm được xác định từ các giao dịch độc lập được chọn để so sánh, tùy theo quy định về phương pháp xác định giá thị trường (Điểm 8, Mục III, Phần A, TT117/2005/TT-BTC).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP