Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2012

Chống Bán Phá Giá - Nhìn Từ Quốc Gia Xuất Khẩu

123loading - Tranh chấp diễn ra khi một Quốc gia cho rằng một Quốc gia khác vi phạm thỏa thuận đã cam kết, xoay quanh 3 nội dung chính là: bán phá giá (BPG), trợ cấp và tự vệ thương mại. Song hành với sự phát triển của thương mại quốc tế (TMQT) là hiện tượng tranh chấp TMQT. Tranh chấp diễn ra khi một Quốc gia cho rằng một Quốc gia khác vi phạm thỏa thuận đã cam kết, xoay quanh 3 nội dung chính là: bán phá giá (BPG), trợ cấp và tự vệ thương mại. Theo thống kê của Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO, trong vòng 10 năm trở lại đây, có khoảng 2300 vụ tranh chấp TMQT đã diễn ra, trong đó hơn 90% là tranh chấp về BPG.

Đối với Việt Nam, cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã bị kiện BPG và bị áp các biện pháp chống BPG, gây nhiều khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp (DN), cho ngành nghề liên quan trong nước. Việc nắm rõ bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp không chỉ cần cho các DN, mà còn rất cần thiết cho ngân hàng bởi ngân hàng vừa là chủ thể cung cấp vốn cho hoạt động của các DN, vừa là DN kinh doanh sản phẩm, dịch vụ liên quan đến tiền tệ trong một nền kinh tế mở, với sự cạnh tranh gay gắt từ các ngân hàng, định chế tài chính khác trên phạm vi toàn thế giới.

Bài viết này bao gồm 3 phần: giới thiệu những khái niệm cơ bản về BPG; một vụ kiện BPG điển hình liên quan đến Việt Nam; cuối cùng là tập hợp các khuyến nghị đối với các DN Việt Nam trong việc ứng phó với các vụ kiện BPG.

Bán phá giá - một tranh chấp TMQT điển hình

BPG là hiện tượng giá xuất khẩu của một sản phẩm được xuất khẩu từ một nước này sang một nước khác thấp hơn mức giá có thể so sánh được của một sản phẩm tương tự được tiêu dùng tại nước xuất khẩu theo điều kiện thương mại thông thường. Về bản chất, BPG trong TMQT là hành vi phân biệt giá cả: đối với cùng một sản phẩm hoặc sản phẩm tương tự, nhưng giá xuất khẩu lại thấp hơn giá tiêu thụ nội địa. Đây được xem là một hành động với mục tiêu nhằm chiếm lĩnh thị trường và tiến tới loại bỏ dần các đối thủ cạnh tranh.

Mặc dù còn có nhiều quan điểm khác nhau, song pháp luật các nước đều coi đây là hành vi thương mại không lành mạnh. Đa số Chính phủ các nước đều cho rằng cần phải có hành động chống lại hành vi BPG nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Hiệp định về chống BPG của WTO ra đời và có hiệu lực bắt buộc đối với tất cả các nước thành viên. Hiệp định này quy định các biện pháp chống BPG chỉ được thực hiện trong những hoàn cảnh nhất định và phải đáp ứng được 4 điều kiện sau: (1) Sản phẩm đang BPG ; (2) Có sự thiệt hại về vật chất do hành động BPG gây ra hoặc đe doạ gây ra đối với các DN nội địa đang sản xuất các sản phẩm tương tự với sản phẩm BPG, hoặc gây ra sự trì trệ đối với quá trình thành lập của một ngành công nghiệp trong nước; (3) Có mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại vật chất (hoặc đe doạ gây ra thiệt hại vật chất) do chính hành động BPG đó gây ra; (4) Tác động của BPG phải có tính bao trùm, ảnh hưởng tới cộng đồng rộng lớn.

Quốc gia bị thiệt hại chỉ có thể áp dụng thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường (thuế chống BPG) đối với hàng hóa nhập khẩu bị xác định là BPG. Việc xác định mức thuế chống BPG phải dựa trên trên biên độ phá giá của sản phẩm có liên quan. Biên độ phá giá chính là sự chênh lệch về giá giữa giá xuất khẩu đang xem xét với giá thông thường của sản phẩm tại thị trường nội địa, hoặc giá xuất khẩu sang nước thứ ba, hoặc giá cấu thành của sản phẩm.

Theo quy định của WTO, các quốc gia có quyền tự do trong việc xây dựng các thủ tục để xác định hiện tượng BPG và áp dụng biện pháp chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước mình miễn là không mâu thuẫn với các Hiệp định và quy định của WTO. Tình trạng này là nguyên nhân chủ yếu để nhiều nước áp dụng pháp luật chống BPG như là công cụ thực hiện chính sách bảo hộ thái quá thị trường nội địa.

Vụ kiện chống BPG cá tra, cá basa của Mỹ đối với Việt Nam

Trong thời kỳ 1994 - 2010, theo thống kê của VCCI, có 36 vụ kiện tranh chấp BPG liên quan đến Việt Nam. Trong đó, vụ kiện chống BPG cá tra, cá basa của Mỹ đối với Việt Nam, được giới chuyên môn đánh giá là một vụ lớn nhất từ trước đến nay về quy mô và mức độ tác động.

Tháng 6/2002, Hiệp hội chủ trại nuôi cá da trơn Mỹ (CFA) đệ đơn lên Ủy ban hiện hội Quốc tế Mỹ (ITC) và Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kiện một số DN Việt Nam BPG cá tra, basa vào thị trường Mỹ đồng thời đề xuất mức thuế chống phá giá của CFA là 144% nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường hoặc 190% nếu Việt Nam là nước có nền kinh tế phi thị trường. Sau 39 ngày kể từ khi CFA nộp đơn kiện, các DN Việt Nam bị ITC kết luận là việc Việt Nam xuất khẩu cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ đã đe dọa gây thiệt hại về vật chất cho ngành sản xuất của Mỹ. Và sau hơn 7 tháng điều tra qua rất nhiều khâu như thu thập bảng hỏi điều tra, xác định nền kinh tế Việt Nam là thị trường hay phi thị trường, xác định quốc gia tham chiếu thứ ba, thu thập các chứng cứ liên quan,.v.v. vào cuối tháng 1/2003, DOC cũng công bố kết quả điều tra sơ bộ là các DN Việt Nam BPG cá tra, cá basa tại Mỹ, đồng thời áp dụng 3 mức thuế trừng phạt dao động trong khoảng 38 - 64%. Đến tháng 7/2003, kết luận điều tra cuối cùng của cả ITC và DOC đều khẳng định DN Việt Nam BPG và ấn định mức BPG từ 36.84% - 63.88%. Đến nay qua 6 lần xem xét hành chính hàng năm, cùng với nhiều nỗ lực đấu tranh của Hiệp hội chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP) các DN xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam, mức thuế chống BPG này đã dần giảm về 0 đối với đa phần các DN bị đơn Việt Nam.

Đánh giá về tác động của vụ kiện này,VASEP thừa nhận, xuất khẩu cá tra, cá basa trong nước sụt giảm mạnh trong thời gian bị áp thuế chống BPG. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra, cá basa vào Mỹ chỉ còn chiếm chưa đầy10% tổng giá trị xuất khẩu cá tra, cá basa của Việt Nam. Bản thân các DN khi theo đuổi các vụ kiện chống BPG cũng phải chịu đựng hàng loạt các loại chi phí, từ tiền thuê luật sư, thuế, tiền thế chân mà có loại lên đến 80% - 100% tổng giá trị xuất khẩu của DN vào thị trường bị kiện, v.v. Khi xác định theo kiện, DN sẽ mất tới 5 - 10 năm vì theo quy định chỉ khi nào liên tục trong 3 năm, mức áp thuế bằng 0% thì DN mới đủ điều kiện được xóa hoàn toàn thuế chống BPG.

Các DN Việt Nam cần làm gì?

Khủng hoảng kinh tế tạo cơ hội cho các sản phẩm giá thấp như thủy sản, dệt may, da giày, gạo, v.v mở rộng thị trường nhưng đồng thời cũng làm tăng xu hướng bảo hộ của các nước phát triển trong đó có chống BPG. Phần lớn các DN Việt Nam có quy mô vừa, nhỏ và rất nhỏ. Chính vì vậy mà họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối mặt với quá trình điều tra chống BPG do các quốc gia khác khởi xướng. Đó là: (1) Nội dung bảng câu hỏi điều tra chống BPG thường rất dài, phức tạp, đòi hỏi cung cấp nhiều thông số, nhưng thời hạn trả lời lại rất ngắn; (2) Nhiều loại chi phí phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh rất khó ghi nhận do hệ thống chứng từ kế toán chưa thực sự theo chuẩn quốc tế dẫn, đến tính minh bạch kém; (3) DN thường không có nguồn kinh phí dự trù cho việc tham kiện ở nước ngoài (phần lớn là chi phí dành cho luật sư); (4) Bản thân các DN còn bị động trong việc ứng phó do không hiểu biết về công cụ chống BPG, dẫn tới cách ứng xử không phù hợp,...

Việt Nam, trên thực tế chưa phải là mục tiêu chính trong các vụ kiện BPG lớn trên thế giới. Tuy nhiên, cùng với năng lực xuất khẩu ngày càng gia tăng và với lợi thế cạnh tranh chủ yếu về giá đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều đối với các vụ kiện BPG. Các DN xuất khẩu Việt Nam muốn kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu thì không có cách nào khác phải chủ động phòng tránh và đối phó thông qua tìm hiểu bản chất, thủ tục tiến hành, sử dụng các biện pháp ứng phó thích hợp khi có tình huống kiện tụng xảy ra.

Cụ thể, các DN Việt Nam cần thực hiện đồng bộ 2 nhóm biện pháp: nhóm biện pháp mang tính chính sách để hạn chế, nhận biết và ứng phó với nguy cơ kịp thời và nhóm biện pháp mang tính kỹ thuật để tính toán và chứng minh biên độ phá giá thấp nhất có thể.

Nhóm biện pháp mang tính chính sách
  1. Thứ nhất, cần nhận biết về sự tồn tại của nguy cơ bị kiện tại các thị trường xuất khẩu và cơ chế vận hành của chúng, nhóm thị trường và loại mặt hàng thường bị kiện;
  2. Thứ hai, cần tính đến khả năng bị kiện khi xây dựng chiến lược xuất khẩu để có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý khi không phòng ngừa được (ví dụ đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, tránh phát triển quá nóng một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và giảm dần việc cạnh tranh bằng giá rẻ,...);
  3. Thứ ba, cần phối hợp, liên kết với các DN có cùng mặt hàng xuất khẩu để có chương trình, kế hoạch đối phó chung đối với các vụ kiện có thể xảy ra. Đồng thời cũng cần liên kết với các nhà nhập khẩu để cập nhật thông tin tại thị trường xuất khẩu;
  4. Thứ tư, sử dụng chuyên gia tư vấn và luật sư trong những tình huống cần thiết ở mức độ thích hợp và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để được hướng dẫn và có thông tin cần thiết.

Nhóm biện pháp mang tính kỹ thuật
  1. Thứ nhất, các DN cần đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế để các số liệu của DN được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi tính toán biên phá giá; đồng thời cần lưu giữ tất cả các số liệu, tài liệu có thể làm bằng chứng chứng minh không BPG;
  2. Thứ hai, có thể tự yêu cầu được tham gia, hợp tác với cơ quan điều tra và chủ động thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng trong quá trình điều tra để được tính biên độ phá giá riêng phản ánh đúng hơn thực tế hoạt động kinh doanh của mình;
  3. Thứ ba, có quỹ dự phòng đảm bảo các chi phí theo kiện tại nước ngoài;
  4. Cuối cùng và không kém phần quan trọng, đó là không gian lận trong và sau cuộc điều tra chống BPG để tránh bị trừng phạt bởi những mức thuế chống BPG rất cao.
Đối với Việt Nam, các DN cũng cần quan tâm xem cần làm gì để đối phó với hàng hóa nước ngoài đang BPG tại nước ta? Hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành về chống BPG, các ngành sản xuất của Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng việc khởi kiện yêu cầu áp dụng các biện pháp chống BPG để đối phó với hiện tượng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu BPG tại Việt Nam gây thiệt hại. Để sử dụng công cụ này có hiệu quả, các DN cần lưu ý các điểm sau đây:
  1. Thứ nhất, tập hợp và chuẩn bị sẵn sàng các số liệu, bằng chứng về việc hàng hóa nước ngoài BPG (theo công thức tính toán quy định) và về thiệt hại do hiện tượng BPG đó gây ra cho ngành sản xuất của mình (với các yếu tố chứng minh thiệt hại theo quy định) để đảm bảo đơn kiện được chấp thuận;
  2. Thứ hai, chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực tài chính, con người cần thiết cho việc theo kiện bởi một vụ kiện thường kéo dài, với những đòi hỏi cao về bằng chứng, lập luận.
Trên thực tế, ở nhiều nước, việc đi kiện là quá trình “vừa học vừa làm”, trong đó các ngành sản xuất và DN học hỏi, rút kinh nghiệm dần dần trong quá trình kiện nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích hợp pháp của mình trước hàng hóa nước ngoài nhập khẩu BPG gây thiệt hại.

PHẠM THỊ THANH NGA - Sở giao dịch ViettinBank
From vnba.org.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP